Doanh nghiệp là gì? Các đặc điểm pháp lý cơ bản của một doanh nghiệp thông thường

tvhayhd

New member
27 Tháng chín 2022
14
0
1
Ở mỗi nước, trong mỗi thời kỳ khác nhau, tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của nền kinh tế mà pháp luật quy định mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh thích hợp. Pháp luật là công cụ của Nhà nước để tạo lập và vận hành nền kinh tế thị trường thông qua việc xác định các mô hình cơ bản của tổ chức sản xuất, quy định địa vị pháp lý của mỗi loại chủ thể kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ ở nước ta.

“Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh,đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 16 Hiến pháp 1992).

Với chính sách kinh tế của Nhà nước được ghi nhận trong Hiến pháp như vậy nên có nhiều chủ thể kinh doanh (còn gọi là các đơn vị kinh doanh) tham gia thực hiện các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta. Nhóm chủ thể kinh doanh quan trọng nhất và là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của pháp luật kinh tế là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cỏ địa điểm kinh doanh chính và có thể mở. chi nhánh, văn phòng đại diện trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động theo đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với các hiện diện như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trong một số lĩnh vực thương mại, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh trong trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam. Nhóm chủ thể kinh doanh thứ hai có vị trí sau doanh nghiệp đó là các hợp tác xã, hộ kinh doanh (cá thể) và tổ hợp tác. Hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ hợp tác tuy có số lượng lớn, cần thiết trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế nước ta, song quy mô và phạm vi kinh doanh nhỏ, thường là hộ gia đình hoạt động trong phạm vi quận, huyện. Ngoài 2 nhóm chủ thể nói trên, trong thực tế còn có những người kinh doanh nhỏ, thường là những cá nhân, những người kinh doanh lưu động và không ổn định về địa điểm, mặt hàng hay dịch vụ. Đó là những cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa: "Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh ” (Điều 4 Khoản 1).

Luật mới cũng quy định khi thành lập công ty mới thì không cần phải đăng tải mẫu dấu lên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Như vậy, thuật ngữ “doanh nghiệp” được dùng để chỉ một chủ thể kinh doanh độc lập, được thành lập và hoạt động dưới nhiều mô hình cụ thể với tên gọi khác nhau. Những chủ thể này có những đặc trưng pháp lý và trong việc thành lập và hoạt động, phải thỏa mãn những điều kiện do pháp luật quy định.

Những đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp

Doanh nghiệp với tư cách là tổ chức kinh tế có những đặc điểm là cơ sở để phân biệt với hộ kinh doanh hoặc với các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức kinh tế như cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải có tên riêng. Tên riêng của doanh nghiệp là yếu tố hình thức nhưng là dấu hiệu đầu tiên xác định tư cách chủ thể độc lập của doanh nghiệp trên thương trường. Tên doanh nghiệp là cơ sở để Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và cũng là cơ sở phân biệt chủ thể trong quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau và với người tiêu dùng. Tên doanh nghiệp được ghi trong con dấu của doanh nghiệp và mỗi chủ thể kinh doanh độc lập với tư cách là doanh nghiệp, dù thuộc loại hình hoặc kinh doanh trong lĩnh vực nào cũng đều được cấp và sử dụng một con dấu doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp phải có tài sản. Mục đích chủ yếu và trước tiên của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh với những đặc trưng là đầu tư tài sản và để thu lợi về tài sản. Bởi vậy, điều kiện tiên quyết và cũng là nét đặc trưng lớn của doanh nghiệp là phải có một mức độ tài sản nhất định. Tài sản là điều kiện hoạt động và cũng là mục đích hoạt động của doanh nghiệp. Trong điều kiện thời đại ngày nay, không thể nói đến việc thành lập một doanh nghiệp, thậm chí không thể thực hiện được một hoạt động kinh doanh thực sự trong bất cứ lĩnh vực nào, nếu hoàn toàn không có tài sản.

Thứ ba, doanh nghiệp phải có trụ sở chính (trụ sở giao dịch ổn định) . Bất cứ nhà đầu tư nào thành lập chủ thể kinh doanh với tư cách doanh nghiệp, dù là Việt Nam hay nước ngoài, đều phải đăng ký ít nhất một địa chỉ giao dịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Trụ sở chính tại Việt Nam cũng là căn cứ chủ yếu để xác định quốc tịch Việt Nam của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Việt Nam, được đăng ký thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là các pháp nhân Việt Nam. Việc giải quyết những tranh chấp phát sinh trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp trước hết phải do Trọng tài hoặc Tòa án và theo pháp luật của Việt Nam.

Thứ tư, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thành lập theo quy định của pháp luật và mọi doanh nghiệp, dù kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp một văn bản có giá trị pháp lý là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thường gọi tắt là đăng ký kinh doanh. Ngày nay, đối với những doanh nghiệp đăng ký thành lập tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thì văn bản này có tên là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có trường hợp văn bản này được gọi với những tên khác nhưng phải được quy định có giá trị đồng thời là đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp. Trong văn bản này, Nhà nước ghi nhận những yếu tố chủ yếu về tư cách chủ thể của doanh nghiệp, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 25 của Luật Doanh nghiệp, được ghi trên cơ sở những thông tin trong hồ sơ đăng ký kinh doanh do người thành lập doanh nghiệp khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như vậy, đăng ký kinh doanh là cơ sở cho hoạt động của mỗi doanh nghiệp đồng thời cũng là cơ sở cho việc thực hiện sự kiểm soát, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Thứ năm, mục tiêu thành lập doanh nghiệp là để trực tiếp và chủ yếu thực hiện các hoạt động kinh doanh. Nói một cách khác, doanh nghiệp luôn luôn là một tổ chức kinh tế hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể thực hiện những hoạt động nhằm các mục tiêu xã hội khác, không phải vì mục đích lợi nhuận như các hoạt động từ thiện, nhưng đó là sự tự nguyện và không phải là mục tiêu bản chất của doanh nghiệp.

Tham khảo quy trình thủ tục thành lập công ty nước ngoài

Tư cách chủ thể của mỗi doanh nghiệp được xác định và công nhận trên phạm vi toàn quốc. Doanh nghiệp là chủ thể chính trong các quan hệ pháp luật do pháp luật kinh tế, pháp luật kinh doanh điều chỉnh.

Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, cũng có 4 đặc điểm đầu nhưng khác doanh nghiệp ở đặc điểm thứ năm. Hợp tác xã thành lập và hoạt động với 2 mục tiêu kinh tế và xã hội, nhưng điều cốt yếu đối với một hợp tác xã là mục tiêu xã hội, rất thiết thực trong điều kiện của nền kinh tế nước ta hiện nay. Hợp tác xã có những đặc điểm riêng trong việc thành lập, quản lý hoạt động và chế độ tài chính. Trong hoạt động, “Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp v.v... ” (Điều 1 Luật Hợp tác xã 2003). Vì vậy, hợp tác xã không phải là một loại doanh nghiệp, tuy trong quá trình hoạt động, hợp tác xã cũng thực hiện nhiều quy định pháp luật như đối với một doanh nghiệp.

Trong thực tiễn pháp luật Việt Nam, còn gặp thuật ngữ “Doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên), quy định theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng những trợ giúp theo Chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước về: chính sách khuyến khích đầu tư; quỹ bảo lãnh tín dụng; mặt bằng sản xuất; thị trường và tăng khả năng cạnh tranh; xúc tiến xuất khẩu; thông tin tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực.
 

Bài mới nhất